TTH – Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) năm 2021 (Cuộc thi) đã gần đến hồi kết. Dõi theo chặng đường trên, cảm nhận chung là những ý tưởng, dự án (DA) tham gia Cuộc thi này không hẳn cạnh tranh ngôi thứ mà còn là dịp trao đổi kinh nghiệm để vươn xa hơn.
Thành viên giám khảo trao đổi với chủ nhân ý tưởng, dự án tham dự vòng bán kết
Khát vọng khởi nghiệp
Trung tuần tháng 10 mới đây, 25 ý tưởng, DA được chọn từ vòng sơ khảo để dự thi vòng bán kết và ban tổ chức (BTC) tiếp tục thẩm định, đánh giá để “gọi tên” 15 ý tưởng, DA xuất sắc vào dự vòng chung kết.
Chủ nhân của các ý tưởng, DA hôm ấy có người đã từng gặp, làm việc cùng nhau; cũng có người biết nhau nhưng chưa một lần gặp. Có người là chủ doanh nghiệp phát triển được vài ba năm, cũng có người mới đặt những nền móng đầu tiên cho khởi nghiệp. Nhưng tất cả đều có sự đồng cảm, tình yêu lớn dành cho cộng đồng khởi nghiệp quê hương. Họ đến với nhau bằng khát vọng không ngừng đổi mới, tự hào về sản phẩm đã “nuôi dưỡng” và cùng “cháy” một tinh thần khởi nghiệp rất Huế: tinh tế, chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm… chờ cơ hội bung nở.
Tháng 6/2021 khi nghe tỉnh phát động Cuộc thi, dù trong thời điểm giữa mùa dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng họ đã không ngần ngại đăng ký tham gia. Có người đã từng mang “đứa con” đi thi thố dăm ba lần, cũng có người, chưa từng bước lên sân khấu của cuộc thi nào. Nhưng tất cả đến với sân chơi này bằng niềm háo hức, trông đợi, kỳ vọng.
Ngày 22/10, tại hội trường vòng thi bán kết diễn ra trong không khí sôi nổi. 25 tác giả được tuyển chọn tham dự mà trước đó họ đã được tập huấn kỹ năng xây dựng đề án, trình bày ý tưởng, kế hoạch định hướng kinh doanh… nhưng khi lên sân khấu có người đã không cần khuôn mẫu, không quy tắc, không gò bó đã say sưa nói về những ý tưởng, DA của mình và quyết liệt bảo vệ đến cùng.
Chị Đặng Thị Xinh tuổi đời còn khá trẻ ở vùng đất lúa xã Quảng An, Quảng Điền say sưa thuyết phục với đề tài: “Trồng sen thay thế cây lúa để phát triển kinh tế địa phương”. Chị Đỗ Thị Ngọc Châu quyết liệt với: “Trà sen xứ Huế-Trà ướp gạo sen xứ Huế”. Ông Ngô Đức Vương với giấc mơ: “Bánh ép Thuận An-Pizza giòn chinh phục thế giới”. Chị Lê Thị Nhi thao thức với: “Cỏ bàng Huế-hồi sinh làng nghề truyền thống, lan tỏa văn hóa Việt và thông điệp bảo vệ môi trường”; bạn Huỳnh Lê Thái Bảo tâm huyết với: “Hệ sinh thái Y khoa Online”, cũng như Nguyễn Phương Duy cháy bỏng với:” AIHerbal-các sản phẩm hóa dược mỹ phẩm từ chiết xuất thảo dược thiên nhiên ứng dụng hệ phân tích dữ liệu AI”… và còn nhiều nữa những ý tưởng, DA khởi nghiệp của vùng đất Cố đô canh tân, đổi mới.
Cơ hội để vươn xa
TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển, Giám đốc Trung tâm KNĐMST tỉnh, thành viên ban giám khảo hôm đó chia sẻ, rất đáng trân quý các ý tưởng, DA đến với Cuộc thi. TS. Cường xem đây là cuộc hẹn không cạnh tranh ngôi thứ mà dịp để các star-up tự hào, hãnh diện đưa những đứa con do họ vất vả thai nghén, sinh ra để trao đổi kinh nghiệm vươn xa hơn.
Giám đốc Sở KHCN, Trưởng BTC Cuộc thi-TS. Hồ Thắng khi khai mạc vòng bán kết chia sẻ, đến nay Thừa Thiên Huế đã trải qua 6 cuộc thi. Vậy nhưng chưa có cuộc thi nào ấn tượng như năm nay khi những đợt dịch COVID-19 diễn ra phức tạp lại có số lượng ý tưởng, DA tham gia nhiều hơn, chất lượng hơn. Trong hành trình kể từ thời điểm triển khai, những thành viên trong BTC đều chung nhịp đập trái tim hướng về cộng đồng khởi nghiệp. Bất kể trong thời điểm nào họ cũng kết nối, trò chuyện, chia sẻ với nhau và gặp nhau tại nơi này, nơi kia để bàn về một vấn đề, một hướng đi… Nhiều ý tưởng, DA đã vững tâm, lách qua những đợt sóng dữ COVID-19 để khởi nghiệp, tạo nên cảm xúc và niềm tin mãnh liệt để họ bước tiếp con đường đã chọn. Với nghị lực, ý chí và khát vọng bước qua khó khăn ban đầu sẽ bồi đắp cho họ vươn xa…
Hôm nay, ngày mai nhiều ngày sau này nữa, trong câu chuyện của những người khởi nghiệp Cố đô luôn còn nhắc nhớ về Cuộc thi với đầy ắp những bài học, kiến thức bổ ích, những sự gắn kết khó tách rời.
Đồng quan điểm với nhiều thành viên ban giám khảo hôm ấy, chúng tôi nghĩ ngôi thứ của cuộc thi sẽ lùi lại, quan trọng nhất họ đã có một cuộc hẹn để đến với nhau, để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm tạo hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh nhà bền vững, tìm thêm cơ hội mới để vươn xa hơn.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/gap-nhau-de-vuon-xa-a106395.html