[reatimes.vn] Cô gái Huế với khát vọng “sâm Việt cho người Việt”

Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đang nỗ lực đầu tư các vùng nguyên liệu, tạo nên nhiều sản phẩm kết hợp nhằm phát huy các giá trị thực dưỡng của loài “sâm tiến vua” – sâm Bố Chính.

LTS:Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài “Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp”.

Bài 20: Cô gái Huế với khát vọng “sâm Việt cho người Việt”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Hồ Nhật Phương (39 tuổi) dù mới chỉ khởi nghiệp “trái nghề” một năm nay, nhưng đã để tạo được nhiều ấn tượng với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp ở vùng đất cố đô Huế.

Từng là nhân viên điều hành du lịch quốc tế, kiêm phụ trách quản lý chi nhánh một doanh nghiệp vận tải du lịch và cũng đã “xất bất xang bang” trong cơn đại dịch Covid-19, Hồ Nhật Phương đã chọn ngã rẽ kịp thời và gặt hái những thành công bước đầu.

Thời gian gần đây, Hồ Nhật Phương có mặt tại nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh, vừa là thuyết trình viên, diễn giả, vừa là người bán hàng… Tại cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2021, dù mới chỉ sau một năm khởi nghiệp, “Mô hình phát triển và đa dạng sản phẩm Sâm Bố Chính gắn liền với Làng nghề – Văn hóa – Du lịch tại Thừa Thiên – Huế” của Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã được trao giải C của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Nữ doanh nhân trẻ Hồ Nhật Phương đã dành cho Reatimescuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp và những thành quả bước đầu.

NGÃ RẼ TRONG ĐẠI DỊCH

PV: Tôi hơi bất ngờ vì người khởi nghiệp và mang cây sâm Bố Chính vốn nguồn gốc từ Quảng Bình về “chăm bón” trên đất cố đô Huế lại là một người làm việc lâu năm trong ngành du lịch… Hẳn là chị đã gặp một cơ duyên nào đó?

Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Năm 2020 là một năm khó khăn của với mọi người do đại dịch Covid-19, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là ngành du lịch. Tôi là người quen với công việc trong ngành du lịch, cũng đảm trách giám đốc chi nhánh một công ty vận tải du lịch tại TP. Huế. Từ chỗ có mười mấy đầu xe, hàng chục nhân viên tài xế, đại dịch xảy ra đã khiến công ty phải cắt giảm còn lại rất ít. Lúc ấy, tôi cũng như bao người làm du lịch rất buồn và lo. Trong muôn vàn khó khăn ấy, tôi đến với cây sâm Bố Chính như một nhân duyên.

Số là tôi có hơn 18 năm gắn bó với du lịch, đi nhiều nơi trong và ngoài nước, nhưng cơ duyên lại đến với mình vào năm 2019 khi biết nguồn dược liệu quý sâm Bố Chính ở Quảng Bình. Qua một người anh ở tỉnh Quảng Bình, tôi đã tiếp cận và hiểu biết hơn với loài cây quý này, sau đó thì làm đại diện cho các sản phẩm sâm Bố Chính tại Huế. Qua sự giúp đỡ của một số anh chị, người quen ở Quảng Bình, tôi đã tìm hiểu nhiều về cây sâm quý này và quyết định mở công ty, dồn sức cho hướng đi mới.

Tôi say mê và tự đặt mình vào sứ mệnh lan tỏa giá trị dinh dưỡng của cây sâm Bố Chính đến với cộng đồng. Gần 2 năm tìm hiểu nghiên cứu và ấp ủ một giấc mơ, tháng 10/2021 Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã ra đời, đặt trụ sở tại TP. Huế từ bấy cho đến nay.

Ngay sau khi ra đời, Công ty SBC Hoàng Gia đã có bộ sản phẩm: Sâm tươi, sâm khô cắt lát, bột sâm, sâm tươi ngâm mật ong, rượu sâm, mứt sâm, xà phòng sâm, gà ác tần sâm tiến vua, bồ câu tần sâm tiến vua… Tất cả sản phẩm đều được chế biến đảm bảo theo tiêu chí Xanh – Sạch – Dinh Dưỡng tròn đầy.

PV: Hai năm trước, tôi mới được biết về loài cây quý này từ một hội nghị lớn do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức, phải nói là rất ấn tượng. Trên thị trường hiện nay có nhiều dòng sản phẩm khác, chị tính toán câu chuyện thị trường ra sao?

 Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Đây là một loài nhân sâm quý, vốn mọc ở nhiều nơi, nhất là vùng núi của các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Lần đầu tiên loài sâm này được người Chăm phát hiện ở Châu Bố Chính xa xưa (nay là huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cách đây hơn 300 năm, nên chúng có tên là sâm Bố Chính.

Qua nghiên cứu thì đây là sản vật tiến vua từ thời Vua Lê Chúa Trịnh, sau đó bị thất truyền một thời gian dài. Đến năm 2017, người dân Quảng Bình đã nghiên cứu và bắt đầu khôi phục giống sâm Bố Chính. Cuối năm 2019 nhiều sản phẩm làm từ sâm Bố Chính đã ra mắt thị trường và được đưa vào Huế.

Về tác dụng và những giá trị hữu ích của sâm Bố Chính có lẽ để khách hàng, người dùng đánh giá thì hơn. Riêng với công ty chúng tôi, không lâu sau khi trình làng những sản phẩm sâm Bố Chính, sản phẩm của công ty rất được đón nhận và tiêu thụ khá tốt, ngay cả một số lãnh đạo ở một đơn vị trong lĩnh vực y dược tại Huế cũng đã đánh giá khá cao các dược chất, dưỡng chất đối với sâm Bố Chính. Đến nay công ty đã có 10 loại sản phẩm. Bước đầu khách hàng nhiều nhất là ở TP. Huế.

Hiện chúng tôi cũng đang xúc tiến mở rộng đặt cửa hàng trưng bày hoặc showroom, chi nhánh tại Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM… trong đó có một đối tác lớn tại một tỉnh phía Nam chuẩn bị ký hợp đồng với SBC Hoàng Gia để cung ứng sâm nguyên liệu.

Điều đáng mừng là cây sâm Bố Chính mới trồng thử nghiệm tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng cho thấy khá phù hợp và nhiều triển vọng nhân rộng loài cây này tại A Lưới. Cụ thể, năm 2021, cây Sâm Bố Chính đã được bà con dân tộc trồng tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới với diện tích 2ha. Sau 9 tháng, củ sâm Bố Chính được đem đi kiểm định tại Trung tâm Kiểm nghiệm FAO với kết quả khá tốt: Saponin: 3,53/100g – Omega 3: 0,4mg/100g – Omega 6: 3,9/100g – Omega 9: 27,3/100g – Canxi: 170,4/100g…. và nhiều hoạt chất khác.

“MỘT KHI ĐÃ LÀM THÌ PHẢI CHẤP NHẬN MẠO HIỂM”

PV: Điều gì khiến chị quyết định chọn vùng cao A Lưới là địa bàn để khởi nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và đồng hành lâu dài với đồng bào vùng cao?

Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Đó hoàn toàn là nhân duyên! Thông qua một số cuộc hội nghị, hội thảo mà công ty tham gia, chúng tôi đã được gặp, hợp tác với cán bộ phòng ban chức năng của huyện A Lưới. Cây sâm Bố Chính sau đó được quyết định trồng thí điểm tại A Lưới. Năm 2021, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện A Lưới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Quảng Nhâm hướng dẫn, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho 12 hộ dân đầu tiên ở A Lưới đã trồng thí điểm 2ha. Sau khoảng 9 – 14 tháng, cây sâm Bố Chính tại A Lưới đã thu hoạch với hàm lượng, thành phần các hoạt chất đạt kết quả như đã nêu.

Cụ thể là cây sâm Bố Chính nơi đây đảm bảo cơ bản các hoạt chất cần có, nhất là hàm lượng Saponin… Qua đây có thể thấy A Lưới khá phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đối với loài cây này. Cùng với đó là được làm việc với các cán bộ, các anh, các chú, bà con nông dân rất nhiệt tình, thân thiện, tin tưởng ủng hộ việc làm của mình. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để tiến đến mở rộng, xây dựng vùng nguyên liệu trên nhiều địa phương huyện A Lưới, qua đó giúp đồng bào, bà con cải thiện sinh kế, vươn lên làm giàu. Công ty SBC Hoàng Gia cũng sẵn sàng làm đối tác, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm sâm của bà con.

Cũng xin nói thêm A Lưới là huyện vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh, đất đai, tài nguyên môi trường nơi đây đã xanh, sạch; quỹ đất cũng khá dồi dào, chính sách thu hút đầu tư của huyện khá thông thoáng, thủ tục thuận lợi. Đây đều là những hấp lực cho các nhà đầu tư, trong đó có công ty chúng tôi.

Tuy nhiên, không hẳn việc gì cũng suôn sẻ cả. Tại A Lưới qua nhiều cuộc gặp gỡ, chuyện trò, hội thảo, tôi nhận thấy điều khó khăn căn bản là bà con chưa vượt qua chính là niềm tin về làm chủ quy trình, kỹ thuật trồng cây, tạo nguồn nguyên liệu chủ động trong chuỗi cung ứng sản phẩm, qua đó cùng nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, chuyên nghiệp, cùng nhau chia sẻ lợi ích.

Bên cạnh đó tập quán canh tác của bà con với những yêu cầu kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch lẫn chế biến nếu có cũng là một khoản trống cần bù lấp. Đây đều là những thách thức, khó khăn mà công ty và các ban ngành huyện A Lưới sẽ cùng nhau cải thiện trong thời gian tới.

PV: Tôi hình dung chị giống như một người đang leo núi vậy, lúc này mới chỉ là giai đoạn khởi đầu còn chưa lên tới lưng chừng. Phía trước còn quá nhiều nỗi gian truân, xây dựng được vùng nguyên liệu mới là một chuyện, nhưng khó khăn nữa là sản phẩm ra rồi phải được thị trường chấp nhận. Chị tìm cách vượt qua như thế nào?

Doanh nhân Hồ Nhật Phương:Nói về cây sâm Bố Chính chỉ có những thầy thuốc Đông y, Hội Đông y biết qua sách của ông tổ của ngành Y học Cổ truyền Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông, chứ phần lớn người dân đều chưa biết. Lúc chúng tôi đưa sâm Bố Chính về Huế, phải cố gắng giới thiệu, lan tỏa thông qua nhiều chương trình của các đơn vị trong tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên tục tham gia các hội thảo, hội chợ tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam… chú trọng cả các hình thức quảng bá online trên mạng xã hội, website, zalo, youtube…

Tại các hội thảo, hội chợ, chúng tôi phải tranh thủ giới thiệu thật nhiều với khách hàng. Cái chính là tôi muốn lan tỏa cho khách hàng, người dân biết được nước mình có trồng giống sâm quý này, giá cả không phải quá cao như một số dòng sâm ở nước ngoài hay trong nước nên bà con dễ dàng tiếp cận hơn.

Thoạt đầu nhiều chuyện cũng vui buồn lẫn lộn. Nhiều khách hàng khi thấy củ sâm Bố Chính trong gian hàng trưng bày, người thì hỏi đấy là củ sắn à? Người khác thì hỏi củ đinh lăng à? Hay sâm đất à?… Rồi đến những câu hỏi như sâm này có tốt không, có tác dụng gì? Hay sâm này dùng để làm gì, chế biến thế nào? Tất nhiên mình phải giải thích cặn kẽ để bà con biết về loài sâm quý này.

Cùng với đó là những thách thức đi kèm như vùng nguyên liệu đang được trồng chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình phần nào thụ động và nguồn cung ứng. Mình cũng chưa từng làm nông nghiệp, chưa được đào tạo về công nghệ thực phẩm hay các chuyên ngành về nông nghiệp nên kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm còn yếu. Ngoài ra với đó là nguồn vốn đầu tư khi khởi nghiệp. Dù ở tuổi 37, tôi cũng có được số vốn cơ bản để khởi nghiệp nhưng số vốn ấy không mạnh để có thể đầu tư nhiều hơn cho cây sâm Bố Chính.

Những tháng ngày đầu trên hành trình khởi nghiệp thật sự có lúc đuối và tưởng chừng phải sẽ bỏ cuộc sớm… Quá khó để khách hàng hiểu, tiếp nhận và tin dùng sản phẩm. Quá nhiều việc cần phải làm để khách hàng biết đến, nhưng kinh phí lại có hạn. Ngay cả chuyện thu xếp công việc quản lý ở chi nhánh công ty vận tải du lịch, giao cho nhân viên thạo việc điều hành để dành toàn bộ thời gian cho sứ mệnh lan tỏa giá trị dinh dưỡng của cây sâm Bố Chính cũng là điều phải cân nhắc.

Lợi nhuận của doanh nghiệp là sự sống còn, điều mà ai kinh doanh cũng phải hướng tới. Nhưng với cây sâm Bố Chính có nhiều điều rất khó khăn, nhất là khi thương hiệu chưa bằng sâm ngoại. Ngay cả trong nước thì sâm Ngọc Linh đã quá nổi tiếng, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Vậy thì mình ở đâu trong “cuộc chơi” này?

Khó khăn là thế, nhưng một khi đã làm thì phải chấp nhận mạo hiểm. Tôi chỉ nghĩ tới việc duy nhất là phát triển được vùng nguyên liệu và quảng bá rộng rãi sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng, chứ chưa hề nghĩ tới chuyện thu được bao nhiêu lợi nhuận.

Sau gần 2 năm, cây sâm Bố Chính đã sống được trên đất Huế và từng ngày được nhiều khách hàng biết đến hơn. Cây sâm Bố Chính nhận được nhiều sự quan tâm của sở, ban, ngành, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế. Mới đây thôi, nhân sự kiện Ngày hội Cố đô khởi nghiệp – Techfest Hue 2022 và Diễn đàn Khởi nghiệp mùa xuân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã dành thời ghé thăm gian hàng trưng bày và động viên tôi cũng như Công ty SBC Hoàng Gia. Chúng tôi rất mừng vì bước đầu đã được các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và khách hàng ghi nhận, đánh giá tốt.

ĐƯA “SÂM TIẾN VUA” TRỞ THÀNH SẢN PHẨM PHỔ BIẾN CHO NGƯỜI VIỆT

PV: Huế là từng là kinh đô dưới triều nhà Nguyễn. Huế cũng là vùng đất di sản phi vật thể và vật thể của nhân loại. Có lẽ khi khởi nghiệp bằng cây sâm có cái tên mà chỉ dẫn địa lý ở tỉnh Quảng Bình thì chị đã rất xem trọng yếu tố văn hóa trong kinh doanh?

Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Khi đến Quảng Bình tìm hiểu về cây sâm Bố Chính, tôi như bị “thôi miên” qua nhiều câu chuyện kể. Loài cây này đã giúp bà con vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, bệnh tật… Mỗi một sản phẩm làm ra, được sáng tạo nên đều có những câu chuyện văn hóa của nó. Sâm Bố Chính dù là thực dưỡng, là dược liệu cũng đều nằm trong tầng tầng lớp lớp văn hóa ấy.

Huế là cố đô, việc đưa sâm tiến Vua về với vùng đất cố đô, vùng đất di sản của các vị vua triều Nguyễn để phát triển cũng rất hợp lý. Đây cũng chính là một trong những lý do tôi lấy tên là Công ty SBC Hoàng Gia với niềm tin mãnh liệt rằng đây không chỉ muốn giống sâm được nhiều người Việt dùng, được nhiều nơi trồng mà còn muốn giống sâm này cũng có những giá trị đẳng cấp của riêng mình, khi hội đủ các hoạt chất, dược chất cần thiết cho nhu cầu ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh…

Bên cạnh đó về thương mại, Quảng Bình và Huế đều là vùng đất có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng nên phát triển các sản phẩm từ sâm Bố Chính đi kèm với phát triển du lịch, tôi nghĩ là điều khả thi.

Không chỉ vậy, tôi tin rằng việc xúc tiến trồng sâm Bố Chính ở huyện miền núi A Lưới cũng sẽ góp phần tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào nơi đây. Chúng tôi thúc đẩy để bà con làm chủ quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm theo tiêu chuẩn chứ không diễn ra một cách tự phát.

Năm 2021, từ nguồn giống của công ty và sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn của phòng ban của huyện, sau khi người dân trồng thí điểm khoảng 2ha, tới năm 2022 bà con đã sử dụng nguồn giống vụ trước để tiếp tục gieo trồng khoảng 7ha. Vừa rồi có một hộ dân nữa cũng đã tiến hành trồng thêm 2ha, đó là động lực rất tốt cho bà con ở vùng miền núi nâng cao thu nhập. Riêng với công ty, chúng tôi đã ký hợp đồng thuê được gần 3ha của nhiều hộ hộ dân để trồng sâm trong năm nay.

Như vậy toàn huyện A Lưới sau 2 năm số diện tích từ 2ha đã lên gần 9ha, trong đó tập trung tại xã Quảng Nhâm, Sơn Thủy, Hồng Bắc. Với những hộ dân chưa tự trồng sâm Bố Chính, công ty sẵn sàng mời họ vào làm nhân công có trả chi phí thù lao và dần chuyển giao kỹ thuật để sau này họ chủ động nguồn nguyên liệu.

PV: Thị trường đã có sâm Hàn Quốc, nhân sâm Mỹ, đặc biệt là sâm Ngọc Linh rất nổi tiếng… Chị chọn dòng sâm để khởi nghiệp liệu có quá liều lĩnh khi đặt mình vào nhiều khó khăn, thách thức?

Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Đúng là như thế! Các dòng sâm như đã nói ở trên vốn đã định hình khá rõ trong thị thường. Nhưng sâm Bố Chính với những giá trị dinh dưỡng, dược chất có được nhưng phân khúc về giá không quá cao, thậm chí là có sản phẩm khá bình dân với chỉ trên dưới 200 ngàn đồng cũng được xem là lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng. Tất nhiên không phải giá thấp hơn mà “tầm thường hóa” một loài sâm quý, mệnh danh là “sâm tiến Vua” như sâm Bố Chính.

Công ty cũng có những sản phẩm giá khá cao, nhưng hiện nay phần nhiều vẫn bình dân, không hẳn người giàu sang, thu nhập cao mới có thể mua dùng. Đặc biệt với một số dòng sản phẩm khá phù hợp và đang được khách hàng ưa chuộng trong bối cảnh cải thiện sức khỏe, tăng cường chế độ dinh dưỡng để phòng, chống Covid-19 như hiện nay như Sâm tươi – Sâm khô – Sâm ngâm mật ong – Gà ác tần sâm tiến vua – Bồ câu tần sâm tiến vua đều là những sản phẩm tiêu thụ khá tốt. Điều này cho thấy mình đang đi đúng đường, hiệu quả.

PV: Chị tự tin khẳng định bản thân tự gánh lấy sứ mệnh lan tỏa sản phẩm phổ biến tới mọi người dân Việt Nam. Vậy chiến lược của công ty sắp tới thế nào?

Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Việc trồng thí điểm một số diện tích ban đầu tại huyện A Lưới với hàm lượng các hoạt chất, giá trị dinh dưỡng đạt được đã mở ra triển vọng nhân rộng và xây dựng vùng nguyên liệu sâm Bố Chính tại huyện A Lưới và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Bước đầu là như vậy, trong tương lai chúng tôi mong rằng sâm Bố Chính không chỉ phát triển ở Thừa Thiên – Huế mà nhiều tỉnh, thành khác. Chúng tôi mong muốn những sản phẩm sâm với nhiều dưỡng chất, dược chất được trồng và phát triển phổ biến với mức giá phù hợp, đến được với nhiều người dân không có thu nhập cao.

Xa hơn nữa là trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng nhiều vùng nguyên liệu được tạo ra, nhiều người được dùng sâm qua đó nâng cao, cải thiện sức khỏe, phòng chống bệnh tật… đó là điều mà Công ty SBC Hoàng Gia mong muốn. Khát vọng sâm Bố Chính thành “sâm Việt dành cho người Việt” khi ấy mới thật sự thỏa mãn.

Về công nghệ, hiện nay công ty đang áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp, gồm mã QR – mã vạch, đồng thời sử dụng các kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Hiện tại, đang nỗ lực hợp tác, hỗ trợ cùng với phòng ban chức năng huyện A Lưới xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, qua đó giúp bà con dân tộc thiểu số tại đây thay đổi giống cây trồng và cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là đồng bào cần làm chủ được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn Vietgap hướng đến vùng nguyên liệu hữu cơ.

Cùng với đó, công ty cũng sẽ hoàn thiện quy trình trồng cây sâm Bố Chính; hoàn thiện và phát triển đa dạng sản phẩm từ sâm Bố Chính; kết hợp các khu du lịch để xây dựng chuỗi cửa hàng tại một số thành phố để giới thiệu, lan tỏa sâm Bố Chính đến với cộng đồng; hướng đến cung cấp nguyên liệu cho ngành: Dược, dược mỹ phẩm, F&B, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn; xây dựng được nguồn nhân sự chủ chốt, có tâm, cùng chí hướng để từng ngày hoàn thành sứ mệnh mà mình và công ty đã đặt ra.

PV: Chúc chị sớm đạt được khát vọng “sâm Việt cho người Việt”!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *